Truy cập nội dung luôn

Tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với hoạt động quảng cáo

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo.

Tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 16/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội hóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo số 75/2025/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quảng cáo được thông qua với nhiều nội dung mới không chỉ khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật về quảng cáo hiện hành mà còn thực hiện cải cách thủ tục hành chính triệt để, phân cấp, phân quyền tối đa theo tinh thần Hội nghị Trung ương 10.

Đồng thời, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng nhằm tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng trước bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hoá và sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay. 

Luật Quảng cáo đã tập trung vào 03 chính sách lớn, gồm: Hoàn thiện các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; hoàn thiện quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời. 

Do đó, để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo là cần thiết, trong đó quy định chi tiết các nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đồng thời kế thừa có phát triển và thay thế các nội dung không còn phù hợp của Nghị định số 181/2012/NĐ-CP, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP.

Mục đích xây dựng dự thảo Nghị định nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đối với hoạt động quản lý nhà nước về quảng cáo; hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo.

Việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất hiệu lực thi hành giữa Luật Quảng cáo, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, không để khoảng trống pháp luật sau khi Luật được ban hành.

Bố cục của dự thảo Nghị định

Dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 38 điều, được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, đồng thời sửa đổi, bổ sung và thay thế một cách toàn diện nhằm phù hợp với thực tiễn phát sinh, yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới, cụ thể như sau:

Chương I: Những quy định chung.

Chương II: Danh mục và yêu cầu đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.

Chương III: Quảng cáo trên báo hình; quảng cáo trên mạng; quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo có kết nối mạng; quảng cáo thương hiệu Quốc gia trên đài truyền thanh cấp xã.

Chương IV: Quy hoạch quảng cáo ngoài trời; văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam.

Chương V: Trách nhiệm quản lý nhà nước.

Chương VI: Điều khoản thi hành.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo này trên Cổng TTĐT của Bộ.


baochinhphu.vn