Những cây chè từ vườn cụ Đội Năm
2025-07-10 21:21:00.0
Ông Trần Hữu Lợi bên cây chè xưa của gia đình
Chủ nhân của vườn chè xưa là ông Trần Hữu Lợi, nguyên giảng viên bộ môn tiếng Trung Quốc, Văn học Trung Quốc, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên). Ông ngoại của ông Lợi là cháu gọi cụ Đội Năm là cậu ruột, bà ngoại ông Lợi cũng là cháu cụ Đội Năm. Khoảng năm 1930, ông bà ngoại đưa cả gia đình, trong đó có mẹ ông Lợi, lên ở với cụ Đội Năm để giúp cụ quản lý đồn điền. Năm 1940, cụ Đội Năm đứng ra tổ chức đám cưới cho mẹ ông Lợi. Sau khi lập gia đình, mẹ ông Lợi cùng chồng ra thị xã Thái Nguyên buôn bán.
Ông Lợi kể: “Năm 1965, sau trận bom Mỹ oanh tạc cầu Gia Bẩy (ngày 17/10) khiến hàng trăm người dân TP. Thái Nguyên chết và bị thương, gia đình tôi đi sơ tán vào xóm Sơn Tiến này. Nhà đông người, cuộc sống rất khó khăn, bố mẹ tôi cuốc đất vỡ đồi trồng khoai, sắn, cấy lúa lấy cái ăn. Xóm Sơn Tiến ngày đó chưa có ai trồng chè, đất đai nhiều nhưng hoang vu, rậm rạp. Năm 1967, khi ông ngoại tôi mất, ông Vũ Văn Dĩnh (là con cả của cụ Đội Năm) ra viếng và nói với mẹ tôi: Nhìn chất đất này hợp với cây chè đấy, con vào Bình Định (nơi ở của gia đình cụ Đội Năm và các con) lấy hạt chè về mà trồng. Dù cụ Đội Năm đã mất năm 1945, nhưng vườn chè xưa vẫn được các con của cụ chăm sóc, khai thác. Chính tay ông Dĩnh đong cho mẹ tôi 5 đấu hạt chè và dặn cách ươm hạt, trồng cây. Mang hạt về, mấy mẹ con tôi đào một cái hố to, rải rơm xuống, rải hạt chè lên, ủ cho nảy mầm, sau đó bứng cây con ra trồng. Có 2 cách trồng chè: Chỗ đất phẳng thì trồng theo hố, mỗi hố 3 cây hình tam giác; đất đồi thì đào rãnh hình vành khăn, bón lót phân chuồng đã ủ hoai hoặc phân xanh. Hôm sao được mẻ chè đầu tiên, mẹ tôi đùm bơ chè vào biếu ông Dĩnh. Ông cẩn thận pha, thử hương vị rồi gật gù bảo: Chất chè không khác gì chè Tân Cương con ạ”.
Ông Lợi ngoài giờ đi học còn thạo chăm bón, hái, sao chè. Những nguyên tắc làm chè cụ Đội Năm truyền lại, gia đình ông tuân thủ nghiêm túc, đó là: Không hái chè trời mưa, không dùng cây củi có dầu sao chè, chè hái về không được để quá một tiếng (phải cho vào sao ngay), chè sao khô cho vào chum (vại) sành để bảo quản… Từ 5 đấu hạt chè đầu tiên, nhà ông Lợi nhân giống trồng chè phủ kín quả đồi. Những năm 1970, 1980, nhà ông trồng nhiều chè nhất xóm Sơn Tiến. Nhờ cây chè mà 3 anh em ông đủ cơm ăn, áo mặc, được đi học, có ngôi nhà xây đầu tiên của xóm.
Chiếc chum bảo quản trà khô từ năm 1967 của gia đình ông Lợi
Ông Lợi đưa chúng tôi ra thăm vườn chè xưa. Trước mắt tôi là vài chục cây chè cao 4 - 5 mét, đường kính gốc gần 20 cm, xanh tốt, lá óng mỡ, thân chẽ nhiều chạc, da gỗ mốc màu năm tháng. Quanh những gốc chè cổ thụ là vô số cây chè con mọc lên từ những hạt chè già rơi xuống. Đứng cạnh những cây chè xưa, ông Lợi bồi hồi kể: “Hình ảnh tôi nhớ nhất là mẹ và các em gái lụi cụi bên bếp lửa, sao chè thâu đêm. Chè nhiều thì cất vào chum sành, mang bán dần. Học hết phổ thông, tôi thi đỗ Trường Đại học Ngoại ngữ (Hà Nội). Mỗi lần về nhà, mẹ lại cho 1 - 2 kg chè búp (phải giấu kỹ khi đi tầu về Hà Nội), bán cho mấy quán nước gần trường, lấy tiền ăn học. Năm 1978, tốt nghiệp đại học, tôi được nhận vào giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Giai đoạn đó, đời sống của giáo viên rất khó khăn, nhiều người đi buôn, bán quán, cuốn thuốc lá… để có thêm thu nhập. Riêng tôi có đồi chè hậu thuẫn nên tạm đủ sống, chỉ có điều hai bàn tay lúc nào cũng đen nhẻm nhựa chè, nhiều lúc bị sinh viên trêu đùa.
Nay ở khu đất cũ vẫn còn ngôi nhà xây từ năm 1982. Em út của ông Lợi là bà Trần Thị Lư, 60 tuổi, hiện sống ở đồi chè xưa. Rót mời chúng tôi cốc nước trà xanh thơm mát, bà Lư cho biết sáng nào cũng hái lá chè già về hãm uống. Giờ con cái đi học xa, bà không làm chè nữa nhưng vẫn giữ chiếc chum trữ chè khô của mẹ để lại cùng những cây chè làm kỷ niệm.
Còn ông Lợi thì cho biết sẽ phát dọn sạch sẽ, làm đường đi vào vườn chè để tiện chăm sóc và đưa bạn bè đến chơi. Giống chè trung du trồng hạt gặp đất tốt, cây có thể sống hàng trăm năm.
Trong quá trình đi tìm cây chè xưa ở Tân Cương, tôi đã đến khu vực núi Guộc, Tân Cương, TP. Thái Nguyên (cũ), xóm Bình Định, Bình Sơn, TP. Sông Công (cũ), xưa kia là nơi ở và đồn điền chè của cụ Đội Năm, nhưng không tìm được cây chè cổ nào. Có lẽ, những cây chè 60 tuổi trong khu đất nhà ông Lợi là kỷ niệm cuối cùng của ông Tổ nghề chè Đội Năm.
thainguyen.gov.vn