Truy cập nội dung luôn

Trà Thái Nguyên: Từ hương đất vươn tầm quốc tế - Kỳ 3: Để “Đệ nhất danh trà” lừng danh thế giới

Chè Thái Nguyên từ lâu đã được mệnh danh “Đệ nhất danh trà” nhờ hương vị đậm đà khó quên cùng bề dày văn hóa nghề và tình đất tình người gửi trong từng búp nõn. Nhưng trong nhịp sống hiện đại, khi sản phẩm ngoài chất lượng còn cần tới sự nổi bật, bên cạnh giữ gìn giá trị “truyền thống” cần “hiện đại hóa đúng cách” để sản phẩm thực sự lừng danh quốc tế. Điều cần lúc này là một thế hệ mới với tư duy thương hiệu, công nghệ và chiến lược bài bản để đưa danh trà Việt bước ra thế giới một cách đáng tự hào.

>>>Trà Thái Nguyên: Từ hương đất vươn tầm quốc tế - Kỳ 1: Hái sương, sao lửa, giữ hương đất trời

>>>Trà Thái Nguyên: Từ hương đất vươn tầm quốc tế - Kỳ 2: Trà ngon không tự thành danh

Cần những sản phẩm thực sự cạnh tranh

Người Thái Nguyên có thể kể biết bao nhiêu câu chuyện về chè theo năm tháng: Về những sớm hái trà trong sương, những bàn tay sao chảo bỏng rộp vì giữ nghề, những buổi thưởng trà ăm ắp sum vầy, ký ức... Câu chuyện nào cũng xúc động. Song, thị trường quốc tế, nhất là các thị trường khó tính, như Nhật, EU, Mỹ ngoài những câu chuyện đầy bản sắc, phải là dòng sản phẩm thực sự cạnh tranh, rõ ràng nguồn gốc, đồng đều chất lượng, dễ nhận diện thương hiệu, có chiến lược tiếp cận phù hợp với thị hiếu văn hóa và tiêu chuẩn quốc tế.

Trà Thái Nguyên ở Trường Sa. (Ảnh: TL)

Thực tế, Thái Nguyên đã có nhiều mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp bắt nhịp được điều đó, trở thành những đơn vị tiên phong xuất khẩu trà tôm nõn, trà đinh với mã vạch truy xuất, thiết kế bao bì cao cấp, làm du lịch trải nghiệm, mở showroom trà tại các đô thị lớn trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít hợp tác xã hoạt động theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, loay hoay với bài toán tiêu thụ trong nước, hoặc sa vào làm giá rẻ theo kiểu trà bán chợ, chất lượng không ổn định. Một số nơi vẫn chưa quan tâm đến bao bì, chưa kiểm soát được vùng trồng và kỹ thuật chế biến. Có những hộ làm trà rất ngon nhưng không có “cửa” vào siêu thị, không thể xuất khẩu chỉ vì thiếu quy chuẩn, thiếu mã số vùng trồng, thiếu câu chuyện thương hiệu. Bởi lẽ đó, nhiều chuyên gia đã cảnh báo: “Đệ nhất danh trà” nếu không có sự đồng thuận trong tư duy phát triển, nếu không sẵn sàng thay đổi để đi xa hơn, thì khó cạnh tranh trong tương lai.

Du khách trải nghiệm tại vườn chè của Hợp tác xã chè La Bằng, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: CTV Kim Ngân)

Có những bài học từ các xứ sở trà trên thế giới mà tại Thái Nguyên bà con đều hiểu và sôi nổi chia sẻ. Người Nhật Bản không chỉ bán trà mà nâng tầm thành trà đạo. Người Hàn Quốc khi đóng hộp trà đã thiết kế cả câu chuyện đậm chất văn hóa, thẩm mỹ để đưa sản phẩm thành quà tặng quốc gia. Người Trung Quốc đã từ lâu không dựa vào “nghìn năm văn hóa uống trà” mà chuẩn hóa cả hệ sinh thái: Vùng trồng chuyên biệt, nhà máy chế biến cao cấp, nền tảng thương mại điện tử quốc tế, đội ngũ marketing kể chuyện thương hiệu theo ngôn ngữ toàn cầu. Ấn Độ và Sri Lanka - hai đất nước nức tiếng với trà đen không hướng tới sản phẩm đắt tiền mà tập trung xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, mạng lưới xuất khẩu chuyên nghiệp, đấu giá trà trên sàn quốc tế, nhãn hiệu bảo hộ địa lý mạnh mẽ. Điều đó giúp họ kiểm soát giá, giữ uy tín và chinh phục được nhiều thị trường lớn. Trong khi đó, Việt Nam với “Đệ nhất danh trà” Thái Nguyên có hương vị đặc sắc, truyền thống lâu đời, đội ngũ làm nghề tâm huyết nhưng đôi khi lại thiếu chiến lược bài bản.

Dù địa phương vẫn có những điểm sáng rất đáng trân trọng nhưng tiếc rằng, bức tranh tổng thể vẫn thiếu đồng đều. Điều đáng lo hơn là một số cá nhân, tập thể còn xem nhẹ những đòi hỏi hiện đại, cho rằng “chè mình ngon là đủ rồi”, “truyền thống là phải giữ nguyên”. Để trà Thái Nguyên có chỗ đứng xứng đáng trên bản đồ trà quốc tế, cần có sản phẩm đẳng cấp, hệ thống quản lý chất lượng nghiêm ngặt và chiến lược dài hơi mà vẫn mang tính đặc trưng, bản sắc.

Chiến lược bài bản, niềm tin vững vàng

Ngoài kỹ thuật chế biến, giá trị của trà Thái Nguyên còn là kết tinh của thổ nhưỡng, khí hậu và bản sắc văn hóa vùng miền. Song, để vươn tầm quốc tế, yếu tố đầu tiên là cần chuẩn hóa toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất, từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hái, chế biến đến đóng gói và phân phối, mọi công đoạn phải tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, môi trường và truy xuất nguồn gốc. Việc gắn mã số vùng trồng, áp dụng nhật ký điện tử, sử dụng chế phẩm sinh học thay cho thuốc trừ sâu, kiểm soát từng lô chè không còn là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết nếu muốn sản phẩm có mặt tại các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản hay Hoa Kỳ. Song song với đó, phát triển thương hiệu mang bản sắc văn hóa là con đường gian nan nhưng vô cùng cần thiết. Thế giới đã biết đến trà Nhật qua tinh thần thiền trong trà đạo, biết đến trà Trung Hoa qua sự công phu và huyền thoại, thì trà Thái Nguyên cũng cần được định vị rõ ràng. Không thể để trà Việt chỉ xuất hiện dưới dạng nguyên liệu pha chế hoặc nhãn mác của đối tác nước ngoài. Mỗi hộp trà, mỗi bao bì cần kể một câu chuyện về vùng đất Tân Cương lừng danh, về người nông dân gắn bó cả đời với cây chè, về tinh thần cần mẫn và truyền thống thủ công được giữ gìn qua từng thế hệ. Khi trà mang theo văn hóa, nó sẽ bước vào thế giới không chỉ bằng chất lượng, mà còn bằng cảm xúc.

Khu chế biến chè của HTX Nông nghiệp Phú Thịnh, xã Phú Đình, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Trần Huyền)

Bên cạnh đó, cũng cần nhóm giải pháp khác mang tính thời đại, đó là sự kết nối sản phẩm với du lịch và công nghệ. Nhiều nước trên thế giới đã tạo nên cả ngành công nghiệp xung quanh sản phẩm nông nghiệp truyền thống như rượu vang ở Pháp, socola ở Bỉ, cà phê ở Ethiopia… Tại sao Thái Nguyên không thể trở thành “thủ đô trà xanh” của Đông Nam Á? Những đồi chè có thể trở thành điểm đến du lịch sinh thái, nơi du khách có thể trải nghiệm từ hái chè, sao chè đến thưởng trà trong không gian bản địa. Các showroom trà ở các thành phố lớn trong và ngoài nước vừa là nơi bán hàng, đồng thời còn là nơi người dân, du khách quốc tế lan tỏa văn hóa thưởng trà Việt.

Điều quan trọng không kém đóng góp vào sự phát triển còn ở tư duy cộng đồng và liên kết ngành. Không một hộ nông dân nào có thể làm thương hiệu cho cả vùng. Cũng không thể kỳ vọng một vài hợp tác xã kiểu mẫu “gánh” thay cả ngành trà. Đã đến lúc cần xây dựng các mô hình liên kết kiểu mới để doanh nghiệp, nông dân, chính quyền và nhà khoa học cùng chung tay xây dựng một hệ sinh thái trà. Ở đó, có nơi đào tạo kỹ thuật, có đơn vị kiểm định chất lượng, có trung tâm thiết kế bao bì và phát triển thương hiệu, có đội ngũ truyền thông quốc tế. Nếu trà Thái Nguyên có thể xuất hiện tại các hội chợ lớn, trên sàn thương mại điện tử chuyên biệt, tại các lễ hội văn hóa toàn cầu, thì đó không phải chỉ là thành quả của một cá nhân, mà là thành tựu của chiến lược toàn diện và sự đoàn kết, chung sức chung lòng.

Không gian Văn hóa trà Tân Cương - Nơi lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa trà của Thái Nguyên. (Ảnh: Phương Thảo)

“Đệ nhất danh trà” cần được bảo tồn những giá trị cốt lõi, tinh túy nhất, đồng thời cũng cần được làm mới mỗi ngày, bằng những sản phẩm đủ tiêu chuẩn, những chiến lược phù hợp với thời đại. Không ai đánh mất truyền thống chỉ vì hiện đại hóa, nhưng ai cũng có thể đánh mất vị thế nếu không thay đổi kịp thời. Từ những đồi chè xanh mướt giữa sương mai Tân Cương đến từng chén trà thơm ngát trên bàn trà Việt, có biết bao bàn tay đã lặng lẽ góp hương, góp vị cho một danh trà đượm hồn xứ sở. Chừng nào còn những người nông dân, những nghệ nhân, những nhà khởi nghiệp bắt đầu bước ra thế giới bằng niềm tin vào đất, vào nghề, vào chính mình, ta hoàn toàn có quyền hy vọng: Một ngày không xa, “Đệ nhất danh trà” Thái Nguyên sẽ trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam trên bản đồ trà thế giới.

* Tác phẩm tham gia Cuộc thi viết “Trăm năm đệ nhất danh trà”

CTV Lữ Mai
thainguyen.gov.vn